• Kỷ niệm 64 năm "Ngày Lâm nghiệp Việt Nam 28/11/1959-28/11/2023)
  • Thời gian đăng: 28/11/2023 03:26:02 PM
  • Trải qua chặng đường 64 năm hình thành và phát triển (28/11/1959 – 28/11/2023), ngành Lâm nghiệp Việt Nam đã có nhiều điểm nhấn, những mốc son lịch sử đáng nhớ, từ một ngành Lâm nghiệp lấy gỗ làm mục tiêu chính; đến nay, Lâm nghiệp Việt Nam hướng tới mục tiêu phát triển bền vững về tất cả các mặt: Kinh tế, xã hội, môi trường.
  • Ngày truyền thống ngành Lâm nghiệp Việt Nam 28/11

    Thực hiện lời dạy thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 28/11/1959 về “Tết trồng cây” và công tác lâm nghiệp, cũng như để động viên toàn dân, các cơ quan, trường học, lực lượng vũ trang, người lao động lâm nghiệp, cùng toàn thể cán bộ, công nhân viên chức đã và đang hoạt động, gắn bó với ngành Lâm nghiệp tại Việt Nam; ngày 28/6/1995, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 380/QĐ-TTg về việc tổ chức “Ngày Lâm nghiệp Việt Nam” là ngày 28 tháng 11 hàng năm.

    Theo đó, bắt đầu từ năm 1995, lấy ngày 28/11 là “Ngày Lâm nghiệp Việt Nam”. Hàng năm, việc tổ chức kỷ niệm phải thực hiện được các nội dung sau:

    Một là, giáo dục ý thức bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường, sinh thái trong toàn dân; tình cảm yêu ngành, yêu nghề, yêu quê hương, đất nước trong cán bộ, công nhân viên và người lao động lâm nghiệp.

    Hai là, động viên phong trào thi đua lao động sản xuất, phát triển rừng với năng suất, chất lượng cao; sử dụng tài nguyên rừng bền vững, hợp lý, tiết kiệm.

    Ba là, vận động, tổ chức các ngành, các đoàn thể, các giới có những hoạt động cụ thể, những công trình, những việc có ích để báo công dâng Bác; biểu dương, khen thưởng người tốt, việc tốt, địa phương và đơn vị tốt.

    Bốn là, hàng năm, việc tổ chức “Ngày Lâm nghiệp Việt Nam” phải thiết thực, hiệu quả, không phô trương hình thức.

    Lý do lấy ngày 28/11 là “Ngày Lâm nghiệp Việt Nam”; bởi, đây là ngày Bác Hồ đã viết bài “Tết trồng cây” đăng trên Báo Nhân Dân số ra ngày 28/11/1959. Trong bài báo Người viết: “Mấy lâu nay, các xí nghiệp, công trường, cơ quan, trường học, đơn vị bộ đội, hợp tác xã nông nghiệp... đang thi đua sôi nổi để lấy thành tích chào mừng Đảng 30 tuổi. Bên đợt thi đua ấy, chúng tôi đề nghị tổ chức một ngày “Tết trồng cây”. Việc này tốn kém ít mà lợi ích rất nhiều. Đó là cuộc thi đua dài hạn, nhưng nhẹ nhàng, mà tất cả mọi người từ các cụ phụ lão đến các em nhi đồng có thể tham gia”...

    Lời kêu gọi “Tết trông cây” của Bác nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của Nhân dân cả nước đã trở thành một phong trào quần chúng sâu rộng. Ngày 11/01/1960, lần đầu tiên “Tết trồng cây” được tổ chức tại Hà Nội. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trồng cây đa tại công viên Thống Nhất. Từ “Tết trồng cây” năm ấy, hàng năm, cứ mỗi độ Tết đến, Xuân về, ở khắp nơi trên cả nước, hưởng ứng lời kêu gọi của Người “Mùa xuân là Tết trồng cây, làm cho đất nước càng ngày càng xuân”, “Tết trồng cây” đã trở thành một tập quán tốt đẹp của Nhân dân ta trong những ngày vui Tết, đón Xuân. Trong những năm qua, phong trào trồng cây, trồng rừng, bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng trên cả nước tiếp tục được triển khai sâu rộng và hiệu quả, góp phần tích cực trong phát triển kinh tế, xã hội của đất nước và bảo vệ môi trường, sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu.

    Những mốc son lịch sử ngành Lâm nghiệp Việt Nam

    Sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập thành lập nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (ngày 02/9/1945); ngày 14/11/1945, Hội đồng Chính phủ đã ban hành quyết định về việc thành lập Bộ Canh nông là cơ quan của Chính phủ được giao quản lý ngành Lâm chính ở nước ta. Ngày 01/12/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra Sắc lệnh số 69; theo đó, đưa cơ quan Lâm chính trực thuộc Bộ Canh nông. Thời kỳ này, về tổ chức Bộ Canh nông bao gồm các ngành: Trồng chọt, chăn nuôi, thú y, lâm nghiệp, nuôi cá, khẩu khoán, tín dụng nông thôn.

    Tại kỳ họp đầu tháng 2/1955, Hội đồng Chính phủ đã ra Nghị quyết đổi tên Bộ Canh nông thành Bộ Nông lâm. Chịu trách nhiệm quản lý thêm lĩnh vực Lâm nghiệp. Trên cơ sở Nghị quyết của Hội đồng Chính phủ, ngày 17/02/1955, Bộ Nông lâm đã ban hành Nghị định số 02-NL/QT/NĐ về tổ chức các cơ quan Trung ương thuộc Bộ Nông lâm. Bộ phận trực thuộc có Vụ Lâm nghiệp (đổi tên từ Vụ Thủy lâm).

    Đầu năm 1956, Chính phủ đã quyết định thành lập Sở Quốc doanh Lâm khẩn trực thuộc Bộ Nông lâm. Ngày 20/11/1958, Bộ Nông lâm đã ban hành Quyết định số 53/QĐ thành lập Cục Lâm nghiệp trực thuộc Bộ Nông lâm, trên cơ sở hợp nhất Sở Quốc doanh Lâm khẩn và Vụ Lâm nghiệp.

    Năm 1960, hệ thống các Nông - Lâm trường được hình thành, phát triển và được chuyển sang Bộ Nông lâm quản lý. Cuối tháng 4/1960, Hội đồng Bộ trưởng đã họp, thảo luận và ra Nghị quyết đề nghị quyết định tách Bộ Nông lâm thành 04 tổ chức gồm: Bộ Nông nghiệp, Bộ Nông trường, Tổng cục Thủy sản và Tổng cục Lâm nghiệp.

    Ngày 28/4/1960, Tổng cục Lâm nghiệp được thành lập, là cơ quan trực thuộc Hội đồng Chính phủ. Thời kỳ 1963 - 1964, Chính phủ đã quyết định thành lập thêm 3 Cục quản lý chuyên ngành mới trực thuộc Tổng cục Lâm nghiệp, trong đó có Cục Bảo vệ Lâm nghiệp. Đến thời kỳ 1971 - 1975, chuyển Cục Bảo vệ Lâm nghiệp thành Cục Kiểm lâm Nhân dân (Cục Kiểm lâm ngày nay).

    Trước và thời kỳ đầu mới giải phóng miền Nam thống nhất đất nước năm 1975, ngành Lâm nghiệp nước ta có ba cơ quan quản lý trực thuộc khác nhau đó là: Tổng cục Lâm nghiệp ở Hà Nội, là cơ quan trực thuộc nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa; Ban Lâm nghiệp Trung Trung Bộ ở thành phố Đà Nẵng, trực thuộc Ủy ban Nhân dân Cách mạng Trung Trung Bộ và Tổng cục Lâm nghiệp miền Nam tại Sài Gòn, trực thuộc Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam.

    Sau giải phóng miền Nam, cùng với việc thành lập Chính phủ thống nhất năm 1976, nhu cầu hợp nhất các tổ chức quản lý lâm nghiệp để hình thành cơ quan cấp Trung ương đủ mạnh trở nên cấp thiết. Tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa IV, đã phê duyệt thành phần Hội đồng Chính phủ, trong đó có Bộ Lâm nghiệp. Toàn bộ cơ cấu tổ chức của Tổng cục Lâm nghiệp ở Hà Nội, Ban Lâm nghiệp Trung Trung Bộ và Tổng cục Lâm nghiệp miền Nam đều đặt dưới sự quản lý thống nhất của Bộ Lâm nghiệp.

    Tháng 10/1995, tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa IX thông qua Nghị quyết về việc hợp nhất các Bộ: Lâm nghiệp, Thủy lợi, Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm, thành lập Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Ngày 31/7/2007, tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XII đã quyết định hợp nhất thêm Bộ Thủy sản vào Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

    Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ngày 03/7/2017, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 28/2017/QĐ-TTg Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Lâm nghiệp trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; thay thế Quyết định số 59/2014/QĐ-TTg ngày 22/10/2014 của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, Tổng cục Lâm nghiệp là tổ chức trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thực hiện chức năng tham mưa, giúp Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý nhà nước và tổ chức thực thi pháp luật về lâm nghiệp trong phạm vi cả nước; tổ chức thực hiện các hoạt động dịch vụ công thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Tổng cục theo quy định của pháp luật.

    Nhìn lại chặng đường 60 năm hình thành và phát triển của ngành Lâm nghiệp Việt Nam. Với tiền thân là Bộ Canh nông (1945), năm 1955 đổi tên thành Bộ Nông lâm, sau đến là Bộ Lâm nghiệp (1976), tiếp đến hợp nhất với các Bộ để thành lập Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (1995). Ngành Lâm nghiệp đã thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị mà Đảng, Chính phủ giao là khai thác gỗ và lâm sản ngoài gỗ, quản lý rừng, bảo vệ rừng, trồng rừng, phát triển rừng, chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ phục vụ nhu cầu của nền kinh tế quốc dân và xuất khẩu.

    tapthe1.jpg

    Hình ảnh: Tập thể viên chức và người lao động của Ban Quản lý Khu dự trữ thiên nhiên Mường Nhé

    Trong giai đoạn đổi mới và hội nhập quốc tế hiện nay, ngành Lâm nghiệp Việt Nam hướng tới mục tiêu phát triển bền vững về tất cả các mặt: Kinh tế, xã hội, môi trường

  • Nguồn tin: Sưu tầm
  • Khu bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé: Nơi “dưỡng - sinh” của động vật hoang dã
  • Liên Ban quản lý rừng phòng hộ: Điện Biên, Tuần Giáo, Mường Chà, Khu bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé, Ban quản lý rừng Di tích lịch sử và Cảnh quan, môi trường Mường Phăng tổ chức Hội nghị tổng kết công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng năm 2022 và triển khai kế hoạch quản lý bảo vệ phát triển rừng năm 2023
  • Tổ chức Tết trồng cây “Đời đời nhớ ơn Bác Hồ” Xuân Quý Mão 2023
  • Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền về thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính
  • Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé hưởng ứng Ngày Đất ngập nước thế giới năm 2023
  • Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé tổ chức Hội nghị công chức, viên chức và người lao động năm 2023
  • Ứng dụng công nghệ bảo vệ rừng hiệu quả
  • Hoạt động ngoại khóa "Chúng em với rừng xanh" năm 2022
  • Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé thăm quan, học tập, chia sẻ kinh nghiệm quản lý, bảo vệ rừng, chi trả dịch vụ môi trường rừng tại Vườn Quốc gia Bến En và Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên, tỉnh Thanh Hóa.
  • Tập trung thực hiện nhiệm vụ Cải cách hành chính năm 2022
  • Trang: 
  • 71-80 of 98<  1  2  3  4  5  6  7  8  9  10  >
  • CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ KHU BẢO TỒN THIÊN NHIÊN MƯỜNG NHÉ
  • Đơn vị quản lý: Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Đang cập nhật
  • Giấy phép số 33/GP-STTTT, cấp ngày 10/01/2020, do Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Điện Biên cấp
  • Ghi rõ nguồn "bttnmuongnhe.org.vn" khi sử dụng lại thông tin.
  • Thiết kế bởi - Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông tỉnh Điện Biên